Đề thi môn Lịch sử Lớp 9 - Kỳ thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT chuyên - Năm học 2018-2019 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc (có đáp án)

Đề thi môn Lịch sử Lớp 9 - Kỳ thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT chuyên - Năm học 2018-2019 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc (có đáp án)

Câu 1 (3,0 điểm)

 Trình bày sự xuất hiện các tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm 1929 và nêu ý nghĩa lịch sử của sự xuất hiện đó.

Câu 2 (2,0 điểm)

Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện (8-1945), Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chí Minh đã có những chủ trương và hành động gì để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập?

Câu 3 (2,5 điểm)

Chiến dịch phản công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là chiến dịch nào? Những nét chính về diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch đó?

Câu 4 (2,5 điểm)

 Nêu các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo ra cho Việt Nam những thời cơ và thách thức gì?

 

doc 4 trang hapham91 3940
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi môn Lịch sử Lớp 9 - Kỳ thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT chuyên - Năm học 2018-2019 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc (có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN 
NĂM HỌC 2018–2019
ĐỀ THI MÔN: LỊCH SỬ
Dành cho học sinh thi vào lớp chuyên Lịch sử
Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề
Câu 1 (3,0 điểm) 
	Trình bày sự xuất hiện các tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm 1929 và nêu ý nghĩa lịch sử của sự xuất hiện đó.
Câu 2 (2,0 điểm) 
Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện (8-1945), Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chí Minh đã có những chủ trương và hành động gì để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập?
Câu 3 (2,5 điểm) 
Chiến dịch phản công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là chiến dịch nào? Những nét chính về diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch đó?
Câu 4 (2,5 điểm)
	Nêu các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo ra cho Việt Nam những thời cơ và thách thức gì?
--------------Hết--------------
Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh .......... Số báo danh 
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 NĂM HỌC 2018 – 2019
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: LỊCH SỬ
 (Hướng dẫn chấm có 03 trang)
Câu
Nội dung
Điểm
1
Trình bày sự xuất hiện các tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm 1929 và nêu ý nghĩa lịch sử của sự xuất hiện đó.
3,0
1. Sự xuất hiện của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm 1929
- Từ cuối năm 1928 đến đầu năm 1929, phong trào dân tộc và dân chủ ở Việt Nam, đặc biệt là phong trào công nông theo con đường cách mạng vô sản, phát triển mạnh mẽ. Yêu cầu lịch sử đặt ra cần phải thành lập một đảng cộng sản... Trước yêu cầu lịch sử trên, tháng 3-1929, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam đã được thành lập gồm 7 người...
0,25
- Tháng 5- 1929, tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, khi kiến nghị thành lập Đảng Cộng sản không được chấp nhận, đoàn đại biểu Bắc Kì rút khỏi Đại hội về nước... 
0,25
- Ngày 17- 6-1929, đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền Bắc họp đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của đảng, ra báo búa liềm làm cơ quan ngôn luận.
0,5
- Khoảng tháng 8-1929, các hội viên tiên tiến của hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Trung Quốc và Nam Kì quyết định thành lập An Nam Cộng sản đảng.
0,5
- Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng ra đời đã tác động mạnh đến Tân Việt Cách mạng đảng. Các đảng viên tiên tiến của Đảng Tân Việt, từ lâu đã chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cũng tách ra thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn vào tháng 9-1929.
0,5
2. Ý nghĩa lịch sử của sự xuất hiện ba tổ chức cộng sản năm 1929
- Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam vào cuối năm 1929 là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản; đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân Việt Nam; 
0,5
- Là sự chuẩn bị trực tiếp về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; chứng tỏ sự thắng thế của khuynh hướng vô sản trong phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX.
0,5
2
Khi Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện (8-1945), Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chí Minh đã có những chủ trương và hành động gì để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập?
2,0
- Trước những đòn tấn công mạnh mẽ của quân Đồng Minh, tháng 8 năm 1945, quân phiệt đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện.
0,25
- Ngay khi nghe tin Chính phủ Nhật đầu hàng, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1 kêu gọi toàn dân nổi dậy. Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 14 đến 15-8-1945 đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào.
0,25
- Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945. Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào, nhất trí quyết định Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
0,25
- Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng bộ Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945; 
0,5
- Tiến hành Cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (28-8)
0,25
- Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng vạn đồng bào Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
0,5
3
Chiến dịch phản công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là chiến dịch nào? Những nét chính về diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch đó?
2,5
- Chiến dịch phản công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947.
0,5
- Diễn biến
+ Từ ngày 7-10-1947 thực dân Pháp huy động 12000 quân và hầu hết máy bay ở Đông Dương, chia thành 3 cánh mở cuộc tiến công căn cứ Việt Bắc nhằm phá tan cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, khóa chặt biên giới Việt- Trung...
0,25
+ Thực hiện chỉ thị của Trung ương, trên các hướng, khắp các mặt trận, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bẻ gãy từng gọng kìm của chúng. Tại Bắc Cạn, ngay từ đầu, quân dân ta đã chủ động, kịp thời phản công và tiến công địch, tiến hành bao vây, chia cắt, cô lập chúng, buộc chúng phải rút khỏi một số vị trí ở đây...
0,25
+ Ở hướng Đông, quân ta phục kích chặn đánh địch trên đường số 4, cản bước tiến của chúng, tiêu biểu là trận phục kích trên đèo Bông Lau.
0,25
+ Ở hướng Tây, quân ta phục kích, chặn đánh địch nhiều trận trên sông Lô làm nên nhiều chiến thắng như Đoan Hùng, Khe Lau...
0,25
+ Đến cuối năm 1947, đại bộ phận quân Pháp đã phải rút khỏi Việt Bắc.
0,25
- Kết quả và ý nghĩa
+ Sau 75 ngày đêm chiến đấu chiến dịch Việt Bắc thu-đông đã kết thúc thắng lợi. Căn cứ địa Việt Bắc biến thành “Mồ chôn giặc Pháp”. Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo toàn. Bộ đội chủ lực ta dần trưởng thành.
0,25
+ Quân ta đã đánh bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài với ta, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược sang giai đoạn mới.
0,5
4
Nêu các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo ra cho Việt Nam những thời cơ và thách thức gì?
2,5
1. Các xu thế phát triển của thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt
- Xu thế hòa hoãn và hòa dịu trong quan hệ quốc tế 
0,5
- Sự tan rã của Trật tự hai cực I-an-ta và thế giới đang tiến tới xác lập một trật tự thế giới mới đa cực, nhiều trung tâm.
0,5
- Từ sau Chiến tranh lạnh và dưới tác động to lớn của cách mạng khoa học - kĩ thuật, hầu hết các nước đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
0,5
- Tuy hòa bình thế giới được củng cố nhưng từ đầu những năm 90 của thế kỉ XX, ở nhiều khu vực lại xảy ra những vụ xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái. Tuy nhiên, xu thế chung của thế giới ngày nay là hòa bình ổn định và hợp tác phát triển kinh tế.
0,5
2. Thời cơ và thách thức của Việt Nam trước các xu thế 
- Thời cơ: có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước phát triển; mở rộng các mối quan hệ giao lưu hợp tác, khẳng định vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế 
0,25
- Thách thức: sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các nước, Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu; sự xuất hiện chủ nghĩa khủng bố, li khai, mâu thuấn sắc tộc, tôn giáo đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách phù hợp 
0,25
Lưu ý:
- Trên đây là những kiến thức cơ bản phần trả lời của các câu hỏi. Khi chấm giám khảo vận dụng đúng và linh hoạt hướng dẫn chấm, chú ý những bài làm sáng tạo trong tư duy lịch sử. Mức độ đánh giá cho điểm phù hợp với yêu cầu trình độ của học sinh bậc trung học cơ sở. 
----------Hết---------

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_mon_lich_su_lop_9_ky_thi_tuyen_sinh_vao_lop_10_thpt_c.doc