Đề thi môn Ngữ văn Lớp 9 - Kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh - Bài số 1 - Năm học 2020-2021 - Phòng GD & ĐT Thị xã Nghi Sơn (có đáp án)

Đề thi môn Ngữ văn Lớp 9 - Kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh - Bài số 1 - Năm học 2020-2021 - Phòng GD & ĐT Thị xã Nghi Sơn (có đáp án)

PHẦN I . ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới đây:

Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh. Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em. Hãy đến Paris để tận hưởng cảm giác đắm chìm trong Paris chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách các địa điểm các em đã đi qua và tự hào mình là con người từng trải. Tập luyện những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và táo bạo không phải để mang lại sự thỏa mãn cho bản thân mà là để đem lại lợi ích cho 6,8 tỷ người trên trái đất của chúng ta. Rồi các em sẽ phát hiện ra sự thật vĩ đại và thú vị mà những kinh nghiệm trong cuộc sống mang lại, đó là lòng vị tha mới chính là điều tốt đẹp nhất mà các em có thể làm cho bản thân mình. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả. Bởi tất cả mọi người đều như thế.

(Trích Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley

của thầy Hiệu trưởng David Mc Cullough-Theo, ngày 05/6/2012).

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2 (1,5 điểm): Em hiểu thế nào về câu nói sau “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thử thách, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh”.

Câu 3 (2,0 điểm): Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em chẳng có gì đặc biệt cả.”

Câu 4 (2,0 điểm): Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em?

 

doc 7 trang hapham91 15320
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi môn Ngữ văn Lớp 9 - Kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh - Bài số 1 - Năm học 2020-2021 - Phòng GD & ĐT Thị xã Nghi Sơn (có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỊ XÃ NGHI SƠN
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG LỚP 9 CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2020-2021
MÔN: NGỮ VĂN 9 – BÀI SỐ 1
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi có 02 trang; gồm 02 phần, 06 câu)
PHẦN I . ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới đây:
Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh. Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em. Hãy đến Paris để tận hưởng cảm giác đắm chìm trong Paris chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách các địa điểm các em đã đi qua và tự hào mình là con người từng trải. Tập luyện những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và táo bạo không phải để mang lại sự thỏa mãn cho bản thân mà là để đem lại lợi ích cho 6,8 tỷ người trên trái đất của chúng ta. Rồi các em sẽ phát hiện ra sự thật vĩ đại và thú vị mà những kinh nghiệm trong cuộc sống mang lại, đó là lòng vị tha mới chính là điều tốt đẹp nhất mà các em có thể làm cho bản thân mình. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả. Bởi tất cả mọi người đều như thế.
(Trích Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley 
của thầy Hiệu trưởng David Mc Cullough-Theo, ngày 05/6/2012).
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2 (1,5 điểm): Em hiểu thế nào về câu nói sau “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thử thách, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh”.
Câu 3 (2,0 điểm): Theo em, vì sao tác giả cho rằng: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em chẳng có gì đặc biệt cả...”
Câu 4 (2,0 điểm): Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với em?
PHẦNII. TẠO LẬP VĂN BẢN (14,0 điểm)
Câu 1 (4,0 điểm): 
"Nếu tôi thất bại, tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Nếu bạn thất bại, bạn sẽ cố làm lại chứ? Tinh thần con người có thể chịu đựng được những điều tệ hơn là chúng ta tưởng. Điều quan trọng là cách bạn đến đích. Bạn sẽ cán đích một cách mạnh mẽ chứ?" 
(Trích “Cuộc sống không giới hạn” - Nick Vujicic )
Hãy trình bày suy nghĩ của em về thông điệp được Nick Vujicic gửi đến qua những lời trên bằng một đoạn văn (khoảng 200 từ).
Câu 2 (10,0 điểm): Bàn về văn chương, Hoài Thanh viết:
“Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.” (Trích Ý nghĩa văn chương - SGK Ngữ văn 7, tập 2)
Bằng việc cảm nhận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận và liên hệ với đoạn thơ sau:
 “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió 
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.”
(Trích: Quê hương - Tế Hanh, Ngữ văn 8, tập 2)
hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
 Hết 
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ tên học sinh: .........................................................................................; Số báo danh: ...............................
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỊ XÃ NGHI SƠN
HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN ĐỘI TUYỂN 
HSG LỚP 9 CẤP TỈNH NĂM HỌC 2020-2021
MÔN: NGỮ VĂN 9 – BÀI SỐ 1
(Hướng dẫn chấm có 04 trang)
Phần
Câu
Yêu cầu cần đạt
Điểm
6,0
I
1
Phương thức biểu đạt chính : Nghị luận
0,5
2
Câu nói “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh”, có thể hiểu:
– “Cắm cờ”: để khẳng định chủ quyền, để thể hiện sức mạnh, đánh dấu thành tích.
– “Bầu không khí”, “quang cảnh rộng lớn xung quanh”: là thành quả sau cuộc hành trình gian khổ.
=> Ý nghĩa: Trong mỗi hành trình, khó khăn, thử thách là để ta có cơ hội khám phá chính bản thân mình và khi vượt qua thử thách, ta cũng chiến thắng chính mình. Đồng thời, vượt qua nó để được tận hưởng những điều tốt đẹp – đó là một quan điểm sống tích cực, lành mạnh, có sức mạnh cổ vũ rất lớn với mỗi chúng ta.
0,5
0,5
0.5
3
Trong câu:“Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả”. Tác giả nói như vậy vì:
- Khi nhận ra mình “chẳng có gì đặc biệt cả” tức là các em hiểu rõ mình là ai, mình đang ở đâu, các em hiểu rằng thế giới ngoài kia kì vĩ, lớn lao, thú vị vô cùng. Và khi đó, các em sẽ có ý thức, có ham muốn, có niềm vui khi học hỏi, khám phá và chinh phục thế giới.
- Ngược lại, nếu tự mãn về bản thân, các em sẽ không tìm ra mục tiêu cho cuộc sống của mình, vì vậy, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán, vô vị.
1.0
1.0
4
Học sinh có thể trình bày và lí giải thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng. Có thể lựa chọn thông điệp về ý nghĩa của việc vượt lên thử thách hay về sự khiêm tốn.
- Giải thích rõ lý do vì sao?
1,5
0,5
II
1
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về bức thông điệp qua câu nói của Nick Vujicic 
4,0
Yêu cầu chung
 Câu hỏi kiểm tra năng lực viết đoạn văn nghị luận xã hội của thí sinh. Từ nhận thức và trải nghiệm riêng, thí sinh vận dụng tổng hợp các thao tác lập luận, lí lẽ và dẫn chứng để viết đoạn văn.
 Yêu cầu cụ thể
Thí sinh có thể viết theo những cách khác nhau nhưng cần tập trung làm rõ sức mạnh của ý chí và nghị lực của con người. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng sau mỗi lần thất bại con người cần có ý chí, nghị lực, niềm tin, biết vượt lên chính mình. Có thể viết theo hướng sau:
1. Giải thích:
- Thất bại: không đạt được mục đích, mục tiêu đã đặt ra; không làm được điều mình mong muốn 
- Làm lại và làm lại nữa: bắt đầu lại công việc mà ta đã thực hiện nhưng thất bại, chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
- Ý kiến của Nick Vujicic muốn đề cập đến sức mạnh của ý chí và nghị lực của con người. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng sau mỗi lần thất bại con người cần có ý chí, nghị lực, niềm tin, biết vượt lên chính mình.
2. Bàn luận
- Trong cuộc sống, mỗi người đều có ước mơ, mục đích để vươn tới. Trên con đường vươn tới mục đích, chúng ta có thể thất bại do nhiều nguyên nhân.
- Điều quan trọng là đứng trước thất bại, chúng ta không được bỏ cuộc, phải dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách, biết rút kinh nghiệm, biết đứng dậy làm lại từ đầu (nêu dẫn chứng).
- Khi làm lại từ đầu, chúng ta phải có động lực và niềm tin.
- Câu nói của Nick Vujicic đã đánh thức ý chí, sự tự tin trong mỗi chúng ta; giúp chúng ta mạnh dạn đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Sức mạnh tinh thần lớn lao có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn 
- Phê phán những người hay nản chí, có suy nghĩ, thái độ và hành động tiêu cực khi gặp thất bại.
3. Bài học nhận thức và hành động
- Câu nói của Nick Vujicic bao hàm một quan niệm sống tích cực và là lời khuyên bổ ích: Hãy làm lại khi đã rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại; phải có ý chí, niềm tin, nỗ lực vươn lên; không đầu hàng số phận 
(Lưu ý: Cần tôn trọng những suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề mà thí sinh đưa ra, miễn là hợp lý, có sức thuyết phục, không trái với đạo đức và pháp luật)
1,0
2,0
1,0
2
Bài nghị luận văn học
10,0
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận văn học
0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Làm rõ quan niệm của Hoài Thanh "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có" qua việc Cảm nhận bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và liên hệ với đoạn thơ trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh
0,25
 c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ với dẫn chứng.
 Có thể theo hướng sau:
* Giải thích ý kiến:
-“Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có”: tức là các tác phẩm văn chương có khả năng khơi gợi, đánh thức những tình cảm, những rung cảm đẹp đẽ cho mỗi người khi tiếp cận tác phẩm.
-“luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.”: văn chương có khả năng nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm của mỗi người thêm phong phú, đẹp đẽ, trong sáng, bền vững.
=> Như vậy, ý kiến của Hoài Thanh đã khẳng định quy luật sáng tạo nghệ thuật và tiếp nhận văn chương, khái quát chức năng giáo dục và thẩm mĩ của văn chương.
* Lý giải mở rộng:
- “Văn học là nhân học”, là bộ môn nghệ thuật vì con người. Thông qua việc phản ánh đời sống, tác phẩm văn chương luôn đem đến cho người đọc những nhận thức, những khám phá vô cùng mới mẻ, phong phú và sâu sắc về thế giới xung quanh mình. 
- Mỗi tác phẩm văn học chân chính đều khơi dậy trong mỗi người những tình cảm sẵn có và gây thêm những tình cảm ta chưa có. Văn chương nhen nhóm, làm nảy nở, tạo ra những tình cảm đẹp đẽ của con người. Đó là lòng vị tha, sự đồng cảm, khát vọng, tình yêu 
- Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, giúp con người tự khám phá, tự nhận thức, nâng cao niềm tin, luôn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Văn chương giúp chúng ta có thêm những tình cảm cao quí, bền vững.
- Chính vì văn chương có sứ mệnh hết sức cao cả nên nhà văn khi sáng tác phải lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc, nhà văn phải có một tấm lòng sâu sắc, luôn day dứt, trăn trở với đời, với người thì mới đem đến những tình cảm đẹp cho người đọc. Người đọc trước một tác phẩm cần có sự đồng cảm với nhà văn, có tấm lòng thiết tha với cái Đẹp để đồng điệu, thấu hiểu và mở rộng tâm hồn mình.
* Cảm nhận bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và liên hệ với đoạn thơ trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh:
a. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận:
- Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ được viết vào năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới trong không khí hào hứng, phấn chấn, tràn đầy niềm tin. Chuyến đi thực tế của Huy Cận ở vùng mỏ Quảng Ninh đã giúp nhà thấy rõ cuộc sống lao động ấy và mở ra một chặng đường mới trong thơ Huy Cận. bài thơ là kết quả của chuyến đi thực tế đó.
- Khẳng định: bài thơ đã giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, vẻ đẹp của con người lao động , khơi dậy và bồi đắp thêm cho người đọc tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào trước sức mạnh lớn lao của của dân tộc.
*Phân tích, chứng minh:
- Vẻ đẹp của đoàn thuyền ra khơi: Thời điểm ra khơi là lúc hoàng hôn trên biển cả. Thiên nhiên chuẩn bị nghỉ ngơi nhưng con người lại bắt đầu một cuộc lao động rất hào hứng. Những con người lao động đầy hứng khởi, say sưa, không quản ngày đêm để làm giàu cho quê hương đất nước. Tư thế của họ hết sức chủ động, khí thế hăm hở, háo hức, tràn đầy lạc quan. (Khổ 1, 2)
- Cảnh đánh cá trên biển (khổ 3,4, 5, 6)
+ Hình ảnh những con thuyền dũng mãnh, mang tầm vóc vũ trụ lướt sóng ra khơi. Con người cũng trở nên lồng lộng giữa biển trời sẵn sàng cho công cuộc chinh phục biển cả.
+ Sự giàu đẹp của biển cả.
+ Hình ảnh con người lao động hòa vào thiên nhiên, vừa lao động, vừa ca hát. 
-> Cảnh lao động như một bức tranh sơn mài rực rỡ. Thiên nhiên kì vĩ, hùng tráng là biểu tượng cho sự giàu đẹp của quê hương. Con người lao động được khắc họa với những nét tạo hình chắc khỏe như biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc.
- Vẻ đẹp của khúc ca khải hoàn: Đoàn thuyền trở về trong chiến thắng, trong sự hùng tráng, tràn ngập niềm vui. Tiếng hát sau một đêm lao động vẫn mạnh mẽ. 
- Nghệ thuật: Cảm hứng lãng mạn cách mạng, bút pháp lãng mạn kết hợp với sức tưởng tượng phong phú, hình ảnh độc đáo, vừa thực, vừa ảo, bút pháp phóng đại, các biện pháp tu từ, những động từ mạnh, từ láy, nhịp điệu .
=> Bài thơ là khúc tráng ca về thiên nhiên đất nước, về con người lao động. Khúc ca ấy phơi phới, hào hứng, say mê, tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống mới của nhân dân, đất nước. Bài thơ không chỉ cho người đọc cảm nhận tình yêu, niềm tự hào của nhà thơ về đất nước, con người mà còn truyền tình yêu đó đến người đọc 
b. Liên hệ đoạn thơ trong bài Quê hương của Tế Hanh:
- Đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp của quê hương qua nỗi nhớ của nhân vật trữ tình:
+ Khung cảnh quê hương với không gian bao la kì vĩ của biển cả, của bầu trời mang điệu hồn riêng của làng chài.
+ Không khí lao động khẩn trương, sôi nổi, tấp nập khi đoàn thuyền về bến đỗ. Khung cảnh gợi cuộc sống yên bình, ấm no, vui tươi và hạnh phúc.
+ Hình ảnh con người lao động quê nhà bình dị, chất phác, lam lũ mà vạm vỡ, lớn lao.
- Nghệ thuật: Hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi, mang ý nghĩa biểu tượng cao, ngôn ngữ giàu sức gợi, tạo hình, biểu cảm, cách diễn đạt gần với lời ăn tiếng nói của người miền biển, biện pháp tu từ sử dụng linh hoạt, tinh tế .
=> Tình yêu, niềm tự hào về thiên nhiên, cuộc sống, con người quê hương. Đoạn thơ đã khơi dậy và bồi đắp trong người đọc những tình cảm vừa giản dị, thân thương, vừa thiêng liêng, sâu nặng về quê hương, con người.
* Bình luận, đánh giá:
- Cả bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận và đoạn thơ trích trong “Quê hương” của Tế Hanh đều là những tác phẩm văn chương “gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.”
- Cả hai tác phẩm đã thể hiện chân thành, sâu sắc, xúc động tình yêu quê hương đất nước, yêu con người của hai nhà thơ. Từ đó mà lay động, đánh thức, vun đắp trong chúng ta những tình cảm cao quí.
- Cả 2 tác phẩm đã minh chứng cho qui luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương, khắng định chức năng to lớn của văn chương: làm đẹp thêm tình người, hướng con người tới Chân – Thiện – Mĩ.
0,5
1,0
4,5
0.5
0.25
1.0
1.0
1.0
0.5
0.25
2,0
1,0
d. Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ phù hợp 
0.25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn mực chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
0.25
Điểm tổng cộng: 20,0 điểm
Lưu ý chung: 
1. Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. 
4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
5. Cần trừ điểm đối với những lỗi hành văn, ngữ pháp và chính tả.

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_mon_ngu_van_lop_9_ky_thi_chon_doi_tuyen_hoc_sinh_gioi.doc