Đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên - Đề 03 - Năm học 2018-2019 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc (Có đáp án)

Đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên - Đề 03 - Năm học 2018-2019 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc (Có đáp án)

Câu 1 (1,0 điểm)

Hai câu thơ dưới đây trong bài Quê hương (Tế Hanh) đều sử dụng biện pháp so sánh:

a/ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

b/ Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Em thấy hai cách so sánh trên có gì khác nhau? Mỗi cách có hiệu quả nghệ thuật riêng như thế nào?

Câu 2 (3,0 điểm)

Chiếc lá

 Chim sâu hỏi chiếc lá:

 - Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!

 - Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.

 - Bạn đừng có giấu! Nếu bình thường vậy, sao bông hoa kia lại có vẻ rất biết ơn bạn?

 - Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường. Ngày nhỏ, tôi là một búp non. Tôi lớn dần lên thành một chiếc lá và cứ là chiếc lá như thế cho đến bây giờ.

 - Thật như thế sao? Đã có lần nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ tích mà bác gió thường rì rầm kể suốt ngày đêm chưa?

 - Chưa! Chưa một lần nào tôi biến thành một thứ gì khác tôi cả. Suốt đời tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường.

 - Thế thì chán thật! Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng. Hoa ơi, bạn chỉ khéo bịa chuyện.

 - Tôi không bịa chút nào đâu. Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ họ mới có chúng tôi – những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói đến.

(Trần Hoài Dương)

 Bài học cuộc sống mà em tâm đắc nhất từ câu chuyện trên?

Câu 3 (6,0 điểm)

Trong cuốn Sổ tay viết văn, nhà văn Tô Hoài tâm sự: Tôi cho rằng ngay trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao.

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long (Ngữ văn 9, Tập một, NXBGDVN, 2015), hãy làm sáng tỏ.

 

docx 5 trang hapham91 7222
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên - Đề 03 - Năm học 2018-2019 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM HỌC 2018-2019
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho thí sinh thi vào lớp chuyên Ngữ văn
Thời gian làm bài 150 phút, không kể thời gian giao đề.
Câu 1 (1,0 điểm)
Hai câu thơ dưới đây trong bài Quê hương (Tế Hanh) đều sử dụng biện pháp so sánh: 
a/ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
b/ Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Em thấy hai cách so sánh trên có gì khác nhau? Mỗi cách có hiệu quả nghệ thuật riêng như thế nào? 
Câu 2 (3,0 điểm)
Chiếc lá
	Chim sâu hỏi chiếc lá:
	- Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
	- Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.
	- Bạn đừng có giấu! Nếu bình thường vậy, sao bông hoa kia lại có vẻ rất biết ơn bạn?
	- Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường. Ngày nhỏ, tôi là một búp non. Tôi lớn dần lên thành một chiếc lá và cứ là chiếc lá như thế cho đến bây giờ.
	- Thật như thế sao? Đã có lần nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ tích mà bác gió thường rì rầm kể suốt ngày đêm chưa?
	- Chưa! Chưa một lần nào tôi biến thành một thứ gì khác tôi cả. Suốt đời tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường.
	- Thế thì chán thật! Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng. Hoa ơi, bạn chỉ khéo bịa chuyện.
	- Tôi không bịa chút nào đâu. Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ họ mới có chúng tôi – những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói đến. 
(Trần Hoài Dương)
	Bài học cuộc sống mà em tâm đắc nhất từ câu chuyện trên?	
Câu 3 (6,0 điểm)
Trong cuốn Sổ tay viết văn, nhà văn Tô Hoài tâm sự: Tôi cho rằng ngay trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long (Ngữ văn 9, Tập một, NXBGDVN, 2015), hãy làm sáng tỏ.
———— Hết————
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: ; Số báo danh 
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC
————————
ĐỀ CHÍNH THỨC
(HDC gồm có 04 trang)
HƯỚNG DẪN CHẤM THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2018 – 2019
MÔN THI: NGỮ VĂN 
(Dành cho thí sinh thi vào lớp chuyên Ngữ văn)
—————————
Câu 1(1,0 điểm)
Ý
Nội dung
Điểm
1
a/ Tác giả so sánh con thuyền ra khơi hăng như con tuấn mã tức là con thuyền lướt nhanh như con ngựa đẹp và khỏe (tuấn mã) đang phi. Nhà thơ đã so sánh cái cụ thể, hữu hình này với cái cụ thể, hữu hình khác đã làm nổi bật vẻ đẹp, sự mạnh mẽ của con thuyền ra khơi. Qua đó, tác giả gửi gắm tình cảm tự hào về vẻ đẹp làng chài ven biển.
0,5
2
 b/ Tác giả so sánh cánh buồm với mảnh hồn làng tức là so sánh một vật cụ thể, hữu hình, quen thuộc với một cái trừu tượng vô hình. Cách so sánh này làm cho hình ảnh cánh buồm chẳng những trở nên cụ thể sống động mà còn có vẻ đẹp lớn lao, thiêng liêng. Cánh buồm no gió ra khơi như mang cả ước mơ, linh hồn làng chài ở trong đó. Đồng thời nhà thơ thể hiện tình yêu mến, gắn bó thiết tha về quê hương.
0,5
Câu 2 (3,0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng:
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song phải thể hiện rõ nhận thức của mình về một bài học cuộc sống được rút ra từ câu chuyện. Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Ý
Nội dung
Điểm
1
Phân tích ngắn gọn ý nghĩa của câu chuyện
0,5
- Cuộc trò chuyện giữa chim sâu, chiếc lá và hoa: Chim sâu thấy chiếc lá nhỏ nhoi bình thường lại được hoa rất biết ơn; chim sâu cứ tưởng chiếc lá đã đôi lần biến thành hoa, thành quả, thành ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người nhưng không, cả đời chiếc lá vẫn là chiếc lá như thế, giản đơn, bình thường nhưng đã sống một cuộc sống có ý nghĩa.
- Câu chuyện chứa đựng nhiều bài học cuộc sống sâu sắc:
 + Con người cần ý thức về cái tôi cá nhân, về giá trị của bản thân mình, dù chỉ là một cá thể nhỏ bé nhưng phải biết sống khiêm tốn, thầm lặng cống hiến để cho cuộc đời có ý nghĩa.
 + Giá trị của con người thực chất lại là những điều vô cùng giản dị, bình thường.
 + Cuộc sống là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Giống như bông hoa phải đặt cạnh chiếc lá, chiếc lá tôn vinh nét đẹp của bông hoa. Cái tôi phải đặt trong cái ta, cái ta là sự tổng hợp của những cái tôi nhỏ bé. Chỉ có như vậy cuộc sống mới trở nên tốt đẹp, có ý nghĩa 
Lưu ý: Thí sinh chỉ cần chỉ ra một bài học tâm đắc nhất.
2
Bàn luận về một bài học tâm đắc nhất 
2,0
Từ nhận thức và những trải nghiệm riêng, thí sinh cần bày tỏ suy nghĩa của mình về một bài học tâm đắc nhất mà câu chuyện gợi ra. Việc bàn luận phải có lí lẽ chặt chẽ, dẫn chứng xác đáng và có thái độ nghiêm túc, phù hợp đạo lí.
3
Liên hệ bản thân
0,5
Từ nhận thức về bài học cuộc sống qua câu chuyện trên, thí sinh cần liên hệ với những trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống để rút ra những bài học cho việc hoàn thiện nhân cách.
Câu 3 (6,0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng:
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; vận dụng tốt các kĩ năng làm văn để viết bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng phong phú, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.
* Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề bài. Bài viết phải giải thích, lí giải rõ nhận định của Tô Hoài và chứng minh bằng việc phân tích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Cụ thể bài viết cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
Ý
Nội dung
Điểm
1
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
0,5
2
Giải thích
0,5
- Giải thích khái niệm, từ ngữ:
+ Khái niện văn xuôi ở đây chỉ tác phẩm tự sự, thể loại văn học phản ánh đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó, qua hệ thống các sự kiện, biến cố, với các tình tiết, chi tiết, các nhân vật cụ thể sống trong không gian và thời gian nhất định.
+ Thơ là thể loại trữ tình, phản ánh trực tiếp thế giới nội tâm con người bằng thứ ngôn ngữ tinh luyện, hàm súc, giàu hình ảnh và nhịp điệu.
+ Hồn thơ hay chất thơ được hiểu là tính chất trữ tình - tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa những khám phá về vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng với vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật.
=> Ý kiến của Tô Hoài đã khẳng định vai trò quan trọng của hồn thơ, chất thơ trong văn xuôi. Theo nhà văn, văn xuôi thấm đượm hồn thơ mới trong sáng cất cao, mới thực sự là văn xuôi nghệ thuật, có sức mạnh thúc gọi, dẫn dắt, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm nhân văn cho tâm hồn bạn đọc.
0,25
0,25
3
Bình luận
1,0
- Trong thực tế sáng tác, các nhà văn thường có xu hướng phối hợp, đan xen nhiều thể loại. Đưa chất thơ vượt biên giới thể loại sang văn xuôi chính là sự vận dụng kết hợp linh hoạt, sáng tạo nhiều phương thức biểu đạt của nhà văn. Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn xuôi là tự sự, nhà văn thường chú ý đến xây dựng cốt truyện, nhân vật, sự kiện, tình tiết, tình huống. Trong khi đó phương thức biểu đạt chủ yếu của thơ là biểu cảm, nhà thơ tập trung bộc lộ tiếng nói tâm hồn mình bằng vần điệu. Vậy nên, khi văn xuôi chứa đựng chất thơ sẽ tạo nên phong vị ngọt ngào, trong sáng cất cao dễ lan thấm vào tâm hồn người đọc.
- Vì văn học phản ánh cuộc sống theo quy luật của cái đẹp nên chất thơ là phẩm chất đặc biệt cần có ở văn xuôi. Biểu hiện cụ thể của chất thơ là vẻ đẹp lãng mạn bay bổng toát lên từ đời sống hiện thực được phản ánh trong tác phẩm; vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên; vẻ đẹp trong thế giới tình cảm của con người; vẻ đẹp của ước mơ lí tưởng cao cả; những thông điệp nhân văn tiến bộ... Chất thơ chính là đôi cánh nâng đỡ để cuộc sống được phản ánh trở nên thi vị, trong sáng, giàu tính thẩm mĩ.
- Chức năng bao trùm của văn học chính là chức năng thẩm mĩ. Văn học mang đến cho con người sự thụ hưởng cái đẹp qua việc khám phá, phát hiện, miêu tả và tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của con người. Văn học thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ, mang lại những khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc bằng việc xây dựng hình tượng nghệ thuật sinh động, hấp dẫn, bằng trí tưởng tượng sáng tạo và vẻ đẹp của ngôn từ. Người nghệ sĩ tài ba luôn phải là người tìm thấy vẻ đẹp của đời sống, chất thơ của đời sống từ đó thực hiện thiên chức dẫn người đọc đến xứ sở của cái đẹp, cái thiện. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc gọi, không dẫn dắt ta đi đâu cả. (K.Pau-tôp-xki) 
0,25
0,5
0,25
4
Làm sáng tỏ ý kiến qua tác phẩm Lặng lẽ Sa-Pa của Nguyễn Thành Long
3,5
a. Lặng lẽ Sa Pa là áng văn xuôi đượm hồn thơ:
* Một bức tranh thiên nhiên đượm hồn thơ:
- Thiên nhiên Sa Pa mang nét đẹp một cách kì lạ. Sa Pa với những rặng đào, những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở những đồng cỏ trong thung lũng; Sa Pa của nắng ngập tràn nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây, nắng đã mạ bạc cả con đèo, nắng chiếu làm cho hoa rừng thêm rực rỡ; Sa Pa của những rừng cây những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc; của sương và những vòm lá ướt sương, của mây bị nắng xua...
=> Mỗi câu, mỗi chữ khắc hoạ bức tranh thiên nhiên đều giàu sức tạo hình, rực rỡ sắc màu, nhịp điệu êm ái như một bài thơ. Cảnh đẹp thơ mộng ấy truyền cho người đọc những rung động thẩm mĩ về vẻ đẹp của tác phẩm, làm dội lên ước muốn một lần được đặt chân lên Sa Pa.
* Chất thơ tỏa ra từ vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật:
- Nhân vật anh thanh niên: Vẻ đẹp toát lên từ những suy nghĩ, cảm xúc, việc làm, cách sống của anh: yêu nghề, có ý thức sâu sắc về công việc của mình và ý nghĩa của công việc với cuộc sống con người; có tinh thần trách nhiệm, biết vượt lên khó khăn của hoàn cảnh sống và làm việc; có tâm hồn cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm; biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống một cách chủ động ngăn nắp; khiêm tốn, trân trọng sự hi sinh thầm lặng của những người xung quanh...
- Người họa sĩ là con người từng trải, tâm huyết với nghệ thuật, giàu cảm xúc trước cái đẹp của thiên nhiên, của con người. Cô kĩ sư có niềm khát khao cống hiến. Cuộc gặp gỡ với anh thanh niên đã khơi dậy trong cô những tình cảm cao đẹp: hiểu thêm về cuộc sống tuyệt đẹp của người thanh niên, có những nhận thức sâu sắc về lẽ sống và vững tin vào con đường mình đã chọn. Bác lái xe có tính tình nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ông kĩ sư vườn rau hàng ngày ngồi trong vườn chăm chú quan sát cách lấy mật của ong, tự tay thụ phấn cho hàng vạn cây su hào để có kết quả tốt hơn... Anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét để tìm tài nguyên cho đất nước...
=> Tác phẩm như một bài thơ ngợi ca vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng đẹp đẽ. Gợi lên trong người đọc bao cảm xúc suy tư.
* Chất thơ tỏa ra từ vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm:
- Mạch truyện đậm chất trữ tình, chi tiết nghệ thuật rất thơ mở ra một thế giới hình ảnh vừa chân thực, sinh động lại vô cùng gợi cảm bởi chính vẻ đẹp của nó.
- Nghệ thuật kể chuyện kết hợp nhiều điểm nhìn (bên ngoài, bên trong, xa, gần) dần dần khám phá một cách sinh động, tinh tế thế giới nội tâm nhân vật. 
- Ngôn ngữ văn xuôi trau chuốt, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu,...
Lưu ý: Thí sinh cần lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu để phân tích.
0,5
1,25
0,75
b. Chất thơ đã góp phần làm cho Lặng lẽ Sa Pa trong sáng cất cao:
- Chất thơ giúp cho chủ đề truyện được thể hiện rõ nét và sâu sắc; truyền thấm vào lòng người đọc những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, về con người và về nghệ thuật. Cuộc sống của mỗi người chỉ thật sự có ý nghĩa khi mọi việc làm của họ đều xuất phát từ tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu mến tự hào về mảnh đất mình đang sống. Con người cần phải biết sống có lý tưởng, say mê với công việc, hiểu được ý nghĩa công việc mình làm. Từ đó làm cho người đọc thấy tin yêu cuộc sống, bồi đắp lí tưởng sống cao đẹp - sống cống hiến...
- Chất thơ làm nên sự đặc sắc trong văn phong và khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật của tác giả. Từ đó, hình thành nên một nét phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Thành Long.
0,5
0,5
5
Đánh giá, mở rộng vấn đề
0,5
- Khẳng định câu nói của nhà văn Tô Hoài là sự đề cao, đánh giá ý nghĩa của chất thơ trong văn xuôi. Tuy nhiên, đưa chất thơ vào trong văn xuôi không có nghĩa là nhà văn thoát li hiện thực cuộc sống, tô hồng và thi vị hóa cuộc sống.
- Bài học sáng tạo và tiếp nhận: 
+ Người cầm bút cần vận dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, phá vỡ tư duy thể loại để sáng tạo nên những áng văn xuôi đẹp, thấm đẫm chất thơ. Mặt khác, người nghệ sĩ cần nhận thấy chất thơ trong tác phẩm văn học hình thành bởi vẻ đẹp trong tâm hồn nhà văn (ước mơ, lí tưởng, tình yêu cuộc sống), tài năng của nhà văn trong việc quan sát và miêu tả cuộc sống. 
+ Bạn đọc cần bồi dưỡng tâm hồn, trau dồi kĩ năng cảm thụ văn học để có thể cảm nhận được chất thơ tinh tế trong tác phẩm văn xuôi.
0,25
0,25
Lưu ý:
- Cho điểm tối đa khi bài thi đảm bảo tốt cả 2 yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, khuyến khích những bài viết có chất văn.
- Điểm của bài thi là tổng điểm các câu cộng lại; cho điểm từ 0 đến 10.
- Điểm lẻ làm tròn tính đến 0,25 điểm. 
————Hết————

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_thi_mon_ngu_van_ky_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_chuyen_de_0.docx